Đạo diễn Charlie Nguyễn: “Tôi không hối hận vì không sắp đặt. Và tôi không buồn vì GAMA không dơ.”

Đạo diễn Charlie Nguyễn: “Tôi không hối hận vì không sắp đặt. Và tôi không buồn vì GAMA không dơ.”

Sau hơn 30 năm làm phim và tạo dựng vị thế vững chắc trong ngành điện ảnh với loạt tác phẩm triệu đô như Dòng máu anh hùng, Để mai tính, Long ruồi, đạo diễn Charlie Nguyễn bất ngờ cầm trịch GAMA: Dục tốc bất bại – gameshow truyền hình thực tế đầu tiên tại Việt Nam về đua xe go-kart.

Đây không phải cú “đá sân” cho vui. Với ông, đây là một lựa chọn có chủ đích – một “ván game khó” nhưng đầy hứng khởi.

“Tôi không làm gameshow để mọi thứ trông đẹp. Tôi làm để nó thật.”

 


 

Gameshow không phải là chỗ để diễn

Lấn sân sang lĩnh vực gameshow, Charlie Nguyễn mang theo tư duy điện ảnh, nhưng không mang theo “kịch bản phim”:
Charlie Nguyễn khẳng định ở cương vị là đạo diễn Gama: Dục tốc bất bại, không có chuyện anh sắp đặt kết quả. Show truyền hình thực tế ở Việt Nam hay sắp đặt. Cảm xúc được viết sẵn. Drama được cắt dựng. Người chơi… đôi khi chỉ là công cụ giải trí. Nhưng ở GAMA, anh chọn không làm vậy. Nhiều người chơi mất niềm tin vào những nhà làm gameshow, họ đến với chương trình mang theo sự dè chừng, vì họ từng bị “gán vai phản diện” và nghi ngờ kết quả của chương trình có sắp đặt song đạo diễn điện ảnh triệu đô khẳng định mình không làm điều đó. “Đó là điều tôi chỉ là ở phim ảnh, còn với gameshow, đây là cuộc chơi hoàn toàn khác. Khi làm phim, đạo diễn sắp đặt diễn viên, quyết định việc họ đi đâu, ngồi đâu, đứng đâu, nói gì… Nếu tôi thích sắp đặt như vậy thì tôi ở lại cuộc chơi phim ảnh, tại sao phải mang thứ sang chơi ở một cuộc chơi không đúng sân? Điều đó rất sai trái, rất thiếu chuyên nghiệp và khiến thí sinh mất tinh thần chiến đấu”, nhà làm phim khẳng định.

“Tôi lúc nào cũng muốn đối xử với tất cả mọi người công bằng. Tôi không bao giờ cho phép bản thân thiên vị thí sinh nào, tất cả mọi người đều có cơ hội như nhau, được đối xử như nhau. Bởi tôi biết rằng nếu mình là thí sinh tham gia một chương trình, điều tối thiểu mình muốn là chương trình phải tạo ra một sân chơi bình đẳng và công bằng. Nếu không có điều đó và kết quả đã được sắp đặt thì còn thí sinh nào muốn đua nữa?”, anh giải thích.

Charlie Nguyễn nói thêm: “Ở vai trò của mình, tôi lúc nào cũng nhắc nhở bản thân phải giữ sự minh bạch, trong sáng, tâm thế nhẹ nhàng trước những lời bàn tán, nghi hoặc. Tôi không muốn khi đối diện với bản thân, mình có cảm giác mình ‘chơi dơ’, khó chịu chịu với bản thân”.

Theo nhà làm phim kỳ cựu, nếu một người chơi nào đó tỏa sáng trong chương trình là vì họ nỗ lực, thông minh và dám phơi bày cảm xúc thật trước ống kính, không phải vì anh cắt dựng giúp họ trở thành ngôi sao.

“Tôi không giữ ngôi sao cho GAMA. Tôi không cắt dựng để ai đó trở nên tỏa sáng. Nếu họ toả sáng – là vì họ thật sự xứng đáng. Còn nếu họ thất bại – thì đó là một bài học thật. Tôi không hối hận vì không sắp đặt.”

 


 

Khác biệt tạo ra cú liều đáng giá

Gama show: Dục tốc bất bại được Charlie Nguyễn và đội ngũ sản xuất ấp ủ suốt hai năm với nỗ lực tạo ra một chương trình giải trí mới mẻ, hấp dẫn và khác biệt, được sáng tạo hoàn toàn bởi người Việt Nam. Bản thân đạo diễn chia sẻ việc tạo ra một gameshow mới khi bản thân không phải “dân chuyên” khiến anh gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình hoàn thiện ý tưởng cho đến bước vào quá trình sản xuất. Gama: Dục tốc bất bại càng làm khó Charlie Nguyễn hơn khi tập trung vào bộ môn đua go-kart vốn mang đặc thù riêng, kén khán giả so với nhiều chương trình giải trí khác. Đạo diễn kỳ cựu dành nhiều thời gian tìm hiểu về thị trường gameshow, nghiên cứu “công thức” thành công của nhiều chương trình nổi tiếng từ đó nỗ lực tạo ra một chương trình thu hút được nhiều đối tượng khán giả, không chỉ bó hẹp ở phạm vi dân đua xe chuyên nghiệp hay những khán giả đam mê tốc độ.

Charlie Nguyễn thừa nhận Gama: Dục tốc bất bại là một ván game khó đối với mình song chính sự khó khăn, thử thách ấy lại kích thích tinh thần sáng tạo và bứt phá giới hạn bản thân. “Với tôi, mỗi một dự án là một cuộc chơi, tôi chưa bao giờ đến với nghề mà nghĩ rằng mình phải làm việc. Nếu làm với ý nghĩ mình phải làm việc, mình sẽ mất hứng ngay lập tức và không thể làm được gì. Ở ván game này đòi hỏi sự sáng tạo, giải quyết rất nhiều bài toán, vấn đề; cách mình giải quyết vấn đề, sáng tạo mang lại phần thưởng rất lớn cho vị trí của mình”, nhà làm phim chia sẻ lý do dấn thân vào lĩnh vực mới. Anh tiếp tục: “Với mỗi dự án tôi được tiếp cận, trước hết chúng phải kích thích. Đây là một cuộc chơi khó, nếu mình làm được sẽ khám phá ra được nhiều thứ về bản thân. Với tôi, hành trình khám phá bản thân qua từng dự án rất thú vị”.

Cuối cùng anh thừa nhận: “Tôi không phải dân làm gameshow. Tôi không biết hết các công thức. Nhưng tôi biết cách kể một câu chuyện chân thật. Và tôi muốn kể lại hành trình mà 16 người – không ai phải diễn – đã thực sự vượt qua nỗi sợ, va chạm, rồi đứng dậy.”

GAMA: Dục tốc bất bại không chỉ là cuộc đua về tốc độ. Đó là nơi khán giả thấy được nỗi sợ, sự bối rối, hoài nghi, va chạm và vượt giới hạn thật sự của 16 người chơi – không thoại sẵn, không dàn dựng. Một show hiếm hoi mà người đạo diễn… không can thiệp vào số phận.

“Tôi làm điện ảnh vì tôi yêu sự sắp đặt. Nhưng tôi làm GAMA vì tôi tin… có những khoảnh khắc không đạo diễn nào viết nổi”

 


 

“Gama: Dục tốc bất bại” – Không chỉ show. Là hành trình thật.

Là show thực tế đầu tiên về đua xe tại Việt Nam, Gama: Dục tốc bất bại quy tụ 16 người nổi tiếng bước vào hành trình chinh phục đường đua go-kart khó nhất thế giới với nhiều thử thách của Biệt đội Challengers. 16 người tham gia là 16 cá tính với những lợi thế – hạn chế riêng, nhưng tựu chung lại họ đều là những “tay mơ” trên đường đua tốc độ với vô vàn những nỗi hoang mang, sợ hãi khi phải bước vào cuộc đua xa lạ, cạnh tranh khốc liệt. Gama: Dục tốc bất bại gồm 9 tập, nơi các thí sinh phải trải qua 4 vòng đấu loại trừ với những cuộc cạnh tranh không khoan nhượng để chiếm vị trí thi đấu, giành giật cơ hội đi tiếp, trong kẻ thống trị đường đua.

Quá trình những kẻ nghiệp dư vượt qua những thử thách cam go trên đường đua go-kart thứ thiệt với sự ngơ ngác, bối rối, hoảng loạn cho đến tinh thần mạnh mẽ, gan lì cùng những nỗ lực, quyết tâm, tham vọng vượt mọi giới hạn của bản thân hứa hẹn sẽ mang đến cho khán giả những giây phút giải trí đa cảm xúc.

Cùng với màn cạnh tranh nảy lửa của 16 thí sinh, Gama: Dục tốc bất bại thêm hấp dẫn với sự dẫn dắt trái chiều của bộ đôi host Chị Đẹp DJ Mie và Quý ông tia chớp Trần Anh Huy với tính cách và quan điểm đối nghịch từ đó đưa ra những đánh giá, tranh luận sôi nổi, giúp người xem có cái nhìn đa chiều về hành trình chinh phục đường đua của 16 thí sinh.

 


 

Một quyết định mạo hiểm từ nhà sản xuất

Việc lựa chọn Charlie Nguyễn – đạo diễn chưa từng làm gameshow để cầm trịch chương trình thực tế về đua xe đầu tiên tại Việt Nam được xem là một quyết định táo báo. Về vấn đề này, nhà sản xuất Thi Võ phân tích:

“Tôi thấy nhiều gameshow hiện nay chỉ là những mảnh ghép game rời rạc, thiếu chiều sâu cảm xúc, thiếu đầu thiếu đuôi. Nếu chúng tôi đã làm và lần đầu tiên làm về đua xe, lại là người đi sau về làm gameshow, chắc chắn chúng tôi cần tạo ra một sản phẩm tối ưu nhất,  chúng tôi muốn có người kể chuyện đúng nghĩa. Sau đó chúng tôi quyết định show này phải có đạo diễn, điều mà chưa từng một gameshow nào ở Việt Nam có. Charlie Nguyễn là đạo diễn triệu đô đầu tiên của Việt Nam. Và chúng tôi nghĩ, thay vì chọn một người an toàn, sao không liều? Đưa một đạo diễn điện ảnh vào sân chơi gameshow – để thử tạo ra một show thật sự điện ảnh và thật sự… có linh hồn.Và Charlie Nguyễn là lựa chọn duy nhất.”

Nhà sản xuất Gama: Dục tốc bất bại chia sẻ sự xuất hiện của Charlie Nguyễn trong vai trò đạo diễn chương trình cũng là một trong những điều khác biệt của chương trình và mọi người có thể tò mò một đạo diễn điện ảnh sẽ làm gì trong gameshow

 

GAMA lên sóng – Một chương trình không dành cho người thích sự dễ dãi

GAMA: Dục tốc bất bại phát song  01.06.2025
Một show giải trí tốc độ – hành động – cảm xúc – và… không có PD đứng sau mọi khoảnh khắc.